Là một đứa trẻ sinh ra vào những năm 1970, tôi lớn lên gắn liền với những bộ phim hành động kinh điển của Lý Tiểu Long, có thể kể đến như “Long Tranh Hổ Đấu”, “Tinh Võ Môn” hay “Đường Sơn đại huynh”. Tôi đã rất ấn tượng với cái cách anh ấy đánh bại những kẻ xấu và trông thật ngầu khi làm điều đó. Anh ấy sở hữu một phong cách rất đặc biệt, và điều đó đã in sâu trong tâm trí tôi đến tận bây giờ.
Khi tôi lớn hơn, một số nhân vật mà tôi từng ngưỡng mộ đã dần bị lãng quên trong dòng ký ức (như Thỏ Bugs hay Chó sói Wile E. và Gà Lôi, những bộ phim mà theo tôi, chưa chứa đựng nhiều ý nghĩa). Thế nhưng, sự ngưỡng mộ mà tôi dành cho Lý Tiểu Long chưa bao giờ suy giảm. Anh ấy rất có tố chất. Là một diễn viên nổi tiếng, đạo diễn, võ sĩ, thầy giáo và (quan trọng nhất đối với tôi) một nhà triết học, Lý Tiểu Long thật sự là một con người vô cùng thú vị với cách tiếp cận cuộc sống vừa hấp dẫn lại vừa đặc sắc.
Nói về cách tiếp cận của Lý Tiểu Long, tôi không thể nào không nhắc đến Triệt quyền đạo – một môn võ thuật xen lẫn triết lý mà chính Lý Tiểu Long đã phát triển. Trong tiếng Quảng Đông, Triệt quyền đạo có nghĩa là “phương pháp đánh chặn bằng nắm đấm”, và mọi người nói về nó như một phong cách đặc biệt của Lý Tiểu Long, nhưng thật sự thì phong cách của anh ấy lại chẳng có một phong cách cụ thể nào cả. Tổ chức Bruce Lee Foundation mô tả nguyên lý chính của Triệt quyền đạo chính là “không nguyên tắc trói buộc, không có sự giới hạn”.
Triết lý của Lý Tiểu Long khi phát triển Triệt quyền đạo rất đơn giản: tiếp thu những gì hữu ích, loại bỏ những thứ vô ích, và thêm vào đó sự độc đáo của riêng mình. Để tạo nên Triệt quyền đạo, anh ấy đã học hết tất cả các loại võ thuật tồn tại trên đời và chọn lọc những thứ có thể sử dụng từ chúng. Sau đó, Lý Tiểu Long đã loại bỏ những thứ thừa thải không cần thiết và thêm vào đó những kỹ thuật đặc biệt của riêng anh. Sau cùng thì, quá trình suy nghĩ đầy công phu đó đã trở nên quan trọng như chính bản thân bộ môn võ thuật đó vậy.
Tôi đã học từ Lý Tiểu Long và Triệt quyền đạo được một năm và tiếp thu triết lý của anh ấy như một phần trong chiến lược kinh doanh của tôi. Tôi nghĩ đây chính là quá trình suy nghĩ, gây dựng mà hầu hết các doanh nghiệp thành công đều cần có.
1. Bạn không cần phải tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới để thành công trong kinh doanh.
Lấy doanh nhân nổi tiếng Steve Jobs làm ví dụ. Anh ấy không hề tạo ra một thiết bị kỹ thuật số dùng để phát nhạc nào cả, điện thoại di động hay kể cả chiếc máy tính đầu tiên. Thay vào đó, anh ấy chọn lọc lấy những phần tuyệt nhất từ thứ sẵn có, bỏ đi những thứ dư thừa, vô dụng và thêm vào đó phần đặc biệt, độc nhất của mình. Chính điều đó đã tạo ra một Apple tuyệt vời thời nay.
Điều đó nói lên rằng, bạn không cần phải là Steve Jobs để học và noi gương theo cuốn sách của Lý Tiểu Long. Bản thân tôi cũng đã từng làm được điều đó với nhiều công ty khác nhau, bao gồm một công ty tôi đồng sáng lập có tên là File Finder, giúp bạn có thể tìm kiếm những tập tin bị mất nhanh chóng hơn. Tôi có được ý tưởng này khi thấy vợ mình phải vật lộn để gom hết tất cả các dữ liệu trong một năm để chuyển chúng sang địa chỉ liên lạc mới. Nó hoạt động như cái cách não chúng ta hoạt động vậy: Thay vì phải tìm kiểm các từ khóa trong tên tập tin, bạn có thể tìm kiếm theo cách bạn nhớ lại nó (ví dụ như bạn nhận được tập tin vào thời gian nào trong năm hay bạn đã ở đâu khi nhận được nó).
Đương nhiên, tôi không phải là người tạo ra chức năng tìm kiếm – thứ mà phải quay lại Thời Kỳ Đồ Đá, khi có một người nào đó lần đầu tiên sắp xếp hang động của họ để có thể tìm ra cây búa. Nhưng tôi đã tận dụng được những điều tuyệt vời nhất của “Tìm kiếm”, bỏ đi cái không tốt, và nâng cấp nó bằng các kỹ năng độc nhất của riêng tôi đó là: Nền tảng về tâm lý học và sự hiểu biết về bộ não con người.
2. Tập trung phát triển điểm mạnh bản thân, đừng chỉ mãi lấp đầy yếu điểm
Chúng ta đều có thể học hỏi được rất nhiều thứ từ triết lý của Lý Tiểu Long, đạo đức làm việc và siêu tập trung trong việc trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình thay vì cứ mãi chăm chú vào những điều yếu kém, tôi nghĩ việc dựa vào những điều bạn giỏi sẵn và đầu tư xây dựng nên công ty của riêng mình dựa trên các nền tảng cơ bản đó chính là một chiến thuật rất thông minh dành cho bất kỳ doanh nhân nào.
Và nếu bạn không hoàn toàn quá giỏi về một khía cạnh nào trong lĩnh vực của mình, hãy nhanh chóng thuê một ai đó có thể thay bạn làm điều này. Đừng lãng phí thời gian quý báu để tự mình cải thiện những yếu điểm đó.
Lý Tiểu Long đã làm việc để trở thành một bậc thầy tuyệt đối trong lĩnh vực của anh ấy, và trong kinh doanh, bạn phải biết cách phân bố đều sự tập trung của mình để biến ý tưởng thành dự án, biến dự án thành sản phẩm và biến sản phẩm thành doanh nghiệp. Lại lấy Steve Jobs làm ví dụ, anh ấy đã nhận ra rằng mình làm tốt hơn trong việc bán hàng hay đưa ra ý tưởng hơn là một kỹ sư phần mềm máy tính. Steve Wozniak đã bù trừ khuyết điểm đó và họ cùng nhau “1+1=3”.
Tôi đã học được điều đó trên hành trình khởi nghiệp của mình. Khuyết điểm của tôi chính là dễ chóng chán với những chi tiết nhỏ nhặt. Tôi biết các chi tiết đó cần phải được hoàn thành nhưng việc làm những thứ đó thật khiến tôi điên đầu. Tôi luôn tìm người đồng sáng lập hay các tiền bối giàu kinh nghiệm yêu thích làm những việc như vậy và đảm bảo các chi tiết được hoàn thiện một cách tỉ mỉ, đầy đủ. Hãy chấp nhận điểm yếu của mình là một điểm mạnh và dựa vào nó.
3. Không có giới hạn nào cho những gì bạn có thể đạt được
“Nếu bạn cứ mãi đặt giới hạn cho mọi điều bạn làm, thể chất hay bất cứ điều gì khác, nó sẽ dần dần xâm nhập vào chính công việc lẫn cuộc sống của bạn. Mọi thứ đều không có giới hạn, chỉ có những cao nguyên hiểm trở, và bạn không được dậm chân tại chỗ, bạn phải vượt qua được giới hạn bản thân mình” (Lý Tiểu Long).
Lấy ví dụ hiện đại hơn về một con người luôn sống theo triết lý này: Elon Musk. Musk có khả năng không để bất kì ai đặt ra giới hạn cho anh ấy. Anh ấy từ chối “sự không thể” và đơn thuần hỏi rằng, “Tại sao không?” Tại sao một công ty thương mại lại không thể chế tạo một tên lửa khổng lồ và bay lên mặt trăng? Tại sao một chiếc xe điện lại không thể chạy xa và thoải mái như những chiếc xe chạy bằng xăng khác? Tại sao chúng ta không thể liên kết máy tính với đầu óc con người để có đầu vào nhanh hơn? Tại sao chúng ta không thể khoan một đường hầm dưới lòng đất để vận chuyển ô tô từ thành phố này sang thành phố khác nhanh chóng hơn?
Một trong những trở ngại lớn nhất mà doanh nghiệp phải vượt qua chính là nhận ra việc họ có thể xây dựng một công ty thành công, bán nó và sống một cuộc đời họ mong muốn. Vợ tôi và tôi đã sống trong một ngôi nhà rộng 1,400 mét vuông trong suốt một thập kỷ, và đôi khi việc sống trên đại dương trong một căn nhà rộng 7 chữ số dường như là một giới hạn mà chúng tôi có thể vượt qua được. Nhưng tôi đã sống suốt cuộc đời mình với tư cách một doanh nhân luôn tin tưởng vào một điều: Bạn phải tin tưởng rằng bản thân mình có thể làm được những điều mà bạn băn khoăn không biết mình có thể làm được hay không.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về điều này, hãy cứ tiếp tục nghĩ về nó, bởi vì để thành công, bạn phải ghi nhớ cùng lúc cả hai điều đó sâu trong tâm trí mình. Nếu không thì, sự nghi hoặc sẽ xâm chiếm bạn và bạn sẽ không thể vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời.
Tóm gọn lại, bản thân tôi chính là một fan cứng của Lý Tiểu Long. Tôi có một mô hình của anh ấy đặt trong nhà bếp của mình và cả chiếc áo phông in hình Lý Tiểu Long yêu thích mà tôi mặc mỗi ngày. Nếu bạn chưa từng nghiên cứu về Triệt quyền đạo, thì tôi đặc biệt khuyến khích bạn tìm hiểu thêm về bộ môn này. Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy được những điều mà một người võ sĩ có thể dạy bạn về khởi nghiệp đấy.