Đại Châu đến tham Mã Tổ, Mã Tổ hỏi: Ông từ đâu đến?
Con từ Việt Châu Đại Vân Tự tới.
Ông đến đây làm gì?
Con đến cầu Phật pháp.
Nơi đây tôi chả có gì cả, cầu Phật pháp cái gì? Mình tự có kho báu không biết trân quý còn ra ngoài tìm kiếm gì nữa?
Không biết cái gì là kho báu nhà con?
Chính là người đứng trước mặt tôi đang hỏi pháp đó. Đó là kho báu nhà mình, có đủ tất cả không thiếu thứ gì, tự do xử dụng.
Đại Châu ngay đó đại ngộ.
Huệ Hải sau khi đã khai ngộ rồi ở lại tham học với Mã Tổ 6 năm. Một hôm, gió thu thổi lá vàng rơi, chợt nghĩ tới Đạo Trí sư phụ ở Đại Vân Tự tuổi hạc đã cao nên muốn trở lại tuỳ thị bên cạnh. Ông bèn đến phòng phương trượng ngỏ lời với Mã Tổ.
Mã Tổ bảo : Ông đã khai ngộ và được tôi ấn chứng, có thể tự lập môn hộ đại hoằng thiền pháp Tào Khê rồi. Ông nên về săn sóc thọ nghiệp sư, khi Đạo Trí viên tịch rồi ông có thể kế thừa đại chí của người.
Đáp: Thời gian của thọ nghiệp sư không còn nhiều, con chỉ muốn về phục thị sau đó sẽ trở lại.
Tổ bảo: Huệ Hải, ông cứ an tâm đi đi.
Về tới Việt Châu, Huệ Hải trừ những lúc thị phụng Đạo Trí ra thì chỉ ngồi thiền, rất ít nói. Có người nói sau lưng: Tưởng đi tham Giang Tây Mã Tổ nhiều năm thì thông minh ra, nào ngờ hoá ra si ngốc.
Huệ Hải biết chuyện cũng không biện giải gì. Ông nghĩ Mã đại sư đem thiền pháp Tào Khê phát huy, những lời nói chí lý, kỳ diệu như hoa trời rơi rụng, không ai ghi lại, trăm năm sau còn ai biết đến ? Tại sao mình lại không kỷ lục lại những điểm tâm yếu của Mã đại sư hầu giúp cho kẻ học hậu thế?
Do đó ông cặm cụi viết cuốn “Đốn ngộ nhập đạo yếu môn luận”. Một ông tăng lén lấy bản thảo đem trình Mã Tổ.
Mã Tổ giở ra xem: Cái tâm này không xanh, không vàng, không đỏ không trắng, không dài không ngắn, không tới không đi, không bẩn không sạch, không sinh không diệt, trạm nhiên thường tịch, đó là hình tướng của Bản tâm.
Đây là nội dung của kinh Kim Cương mà! Lại nói: Thế nào là Giới, Định, Huệ? Thanh tịnh không nhiễm là Giới, đối cảnh tịch nhiên là Định, rõ biết mà không động là Huệ. Lý này rất khế hợp với Lục tổ Huệ Năng.
Lại nói: Pháp thân vốn không có hình tướng, ứng vật hiện hình. Nếu bảo xanh xanh tạp trúc là Pháp thân, xum xuê hoa vàng thẩy đều Bát nhã. Nếu nói hoa vàng là Bát nhã thì Bát nhã và vật vô tình không khác, nếu nói tạp trúc là Pháp thân, thì Pháp thân là đồng với thảo mộc. Nếu nói như vậy, một người ăn măng là ăn Pháp thân sao? Pháp thân vô tướng, nương tạp trúc mà có tướng, Bát nhã vô tri, nương hoa vàng mà hiện hình tướng. Do đó không thể bảo hoa vàng, tạp trúc là Bát nhã, Pháp thân.
Mã Tổ đọc đến đây khen ngợi: Coi đây đủ thấy Huệ Hải có căn khí đại thừa, đã lý giải tâm yếu của ta.
Mã Tổ chiêu tập đệ tử lại nói: Nay ở Việt Châu có một viên minh châu, tự tại vô ngại, là long tượng của thiền môn.
Có một ông tăng, tướng mạo đoan trang có pháp hiệu là Pháp Thường bước ra hỏi: Xin hỏi hoà thượng Phật là thế nào?
Chính tâm ông là Phật. Đạt Ma tử Tây sang Trung thổ chỉ để truyền cái pháp Nhất tâm này. Cái mà Đạt Ma khai thị chính là câu nói này ở kinh Lăng Già : Phật nói lấy Tâm làm Tông, lấy Vô môn làm Pháp môn.
Pháp Thường lần thứ nhất gặp Mã Tổ, hỏi: Thế nào là Phật?
Tức tâm, tức Phật.
Pháp Thường giác ngộ ngay đó, về sau lên tu ở trên núi. Mã Tổ phái một ông tăng đến khảo nghiệm.
Ông tăng này hỏi: Khi ông ở với Mã Tổ, ông học được gì?
Thường đáp: Mã Tổ dạy tôi: Tức Tâm, tức Phật.
Tăng nói: Hiện nay Mã Tổ đã cải biến pháp rồi, Tổ nói: Phi Tâm phi Phật, ông thấy thế nào?
Pháp Thường quát lên: Cái lão Hoà thượng già này chỉ giỏi trêu người, ai cần biết phi Tâm phi Phật là cái quái gì, tôi chỉ biết Tức Tâm tức Phật.
Ông tăng này về thuật lại cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ bảo: Mai đã chín rồi!
Môn hạ của Mã Tổ có một vị cư sĩ là Bàng Uẩn, thấy mọi người ca tụng Pháp Thường, liền vào núi coi sao. Khi gặp bèn hỏi: Pháp Thường sư huynh, tôi nghe nói Mã Tổ khen ngợi sư huynh: Mai đã chín rồi! Không biết là Mai có chín thật không?
Thường đáp: Chín thật rồi, nhưng không biết ông làm sao ăn?
Hỏi: Chẳng phải là nhai rồi nuốt xuống sao?
Thường nói: Nếu là vậy, hãy trả lại cái hột cho tôi.
Hai người nhìn nhau, tâm tâm tương hội, ha hả cười lớn.
Một hôm, Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ: Nước không gân cốt, sao mang được thuyền lớn?
Tổ nói: Nơi đây không có nước, cũng không có thuyền nói gì đến gân cốt?
Uẩn hỏi: Người không cùng vạn pháp làm bạn là ai?
Tổ nói: Đợi ông một lúc hớp một ngụm, cạn hết nước Tây Giang, tôi sẽ bảo.
Bàng Uẩn ngay đó đại ngộ.
Một hôm, giảng pháp xong. Mã Tổ trở về phòng phương trượng. Thị giả dâng trà giải khát. Bỗng có tiếng gọi: Mã đại sư.
Tổ nói: Có chuyện gì?
Nói: Đệ tử Đặng Ẩn Phong đến từ biệt.
Đặng Ẩn Phong người Kiến Châu đã theo học Mã Tổ ít lâu vẫn chưa được ấn chứng.
Tổ hỏi: Ông định đi đâu?
Đáp: Con định tới Hồ Nam tham kiến Thạch Đầu.
Mã Tổ cười: Cẩn thận, đường Thạch Đầu trơn lắm đấy.
Sư phụ đừng ngại, đệ tử có mang theo gậy trúc, phùng trường tác hí, ứng phó được mà.
Đến nơi, ông đi nhiễu quanh thiền sàng một vòng, chống gậy đứng mà hỏi tông chỉ của Thạch Đầu là gì?
Thạch Đầu không nhìn Ẩn Phong ngẩng đầu lên than dài: Trời xanh! Trời xanh!
Ẩn Phong không lời đối lại, về thuật cho Mã Tổ nghe.
Mã Tổ bảo: Ông đến hỏi lại, đợi Thạch Đầu trả lời thì ông hứ lại hai tiếng.
Ẩn Phong quay lại và cũng làm như cũ, nhưng khi hỏi lại thì Thạch Đầu không nói nữa mà chỉ hứ hai tiếng. Ẩn Phong lại không lời đối được, về kể cho Mã Tổ nghe. Mã Tổ nói: Tôi đã chẳng bảo ông trước là gì: Đường Thạch Đầu trơn lắm!
Khi Đơn Hà đến gặp Mã Tổ, Mã Tổ hỏi: Ông từ đâu tới?
Hà đáp: Con từ Thạch Đầu lại.
Tổ hỏi: Đường Thạch Đầu trơn lắm, ông có bị té không?
Hà đáp: Nếu bị té thì con đã chẳng tới được đây.
Phạn đầu kêu: Tới giờ nghỉ rồi, xin mọi người ngừng tay, ăn cơm.
Nhưng đại chúng vẫn tiếp tục không nghỉ.
Phạn đầu bèn tới trước mặt Mã Tổ nói: Sư phụ, xin người ngừng tay, người chẳng từng nói: Đói ăn mệt ngủ là phép thiền tối thượng sao? Thầy không ăn chúng đệ tử cũng không dám ăn, nhà bếp chúng con làm sao hoàn thành nhiệm vụ?
Mã Tổ cười ha hả, khoát tay bảo đại chúng đệ tử ngừng tay: Được rồi! Các ông hãy ngừng tay, ăn cơm, uống trà.
Mã Tổ ngồi nghỉ duỗi chân bên đường, gặp lúc Ẩn Phong đẩy xe qua. Ẩn Phong thưa: Xin thầy co chân lại, cho con đẩy xe qua.
Tổ nói: Tôi chỉ duỗi chứ không co.
Phong nói: Con chỉ tiến chứ không lui.
Hai người không ai nhường ai. Về sau, Ẩn Phong cứ đẩy xe qua làm chân Mã Tổ bị thương. Mã Tổ nhịn đau, về pháp đường, cầm lấy một cái búa giơ lên, hét lớn: Ai đả thương chân tôi, mau ra đây!
Ẩn Phong chạy tới trước mặt Mã Tổ, vươn cổ ra cho chém..
Mã Tổ chỉ còn cách ném búa đi.
Thị giả vào thưa: Sư phụ, ngoài cửa có một vị trưởng giả nói là ở Tứ Xuyên tới, thầy có tiếp không?
Tổ nói: Tứ Xuyên là quê tôi, tôi tiếp chứ!
Mã Tổ xa quê đã lâu cũng muốn biết tin tức quê mình thế nào, thị giả dẫn khách vào, khách nói: Tại hạ Hoàng tam lang bái kiến Mã đại sư.
Mã Tổ thấy khách tóc bạc trắng vội nói: Xin lão tiền bối miễn lễ, xin mời ngồi, không biết tiền bối năm nay bao nhiêu tuổi?
Khách nói: Không dám! không dám, tại hạ vừa 85 tuổi.
Lúc đó thị giả lại thưa: Trình sư phụ, ngoài cửa lại có một ông tăng muốn gặp.
Bảo tôi đang có khách, mời lúc khác lại.
Ông cụ bỗng bảo: Chẳng ngại, cứ cho vào, tôi muốn xem Mã đại sư khai thị học nhân ra sao?
Ông tăng vừa vào liền hỏi ngay: Xin hỏi thế nào là tu Đạo?
Tổ nói: Đạo không cần tu, nếu nói có tu thì khi thành rồi sẽ hoại, đó là hàng Thanh Văn, còn như không tu thì đồng với phàm phu.
Ông tăng không hiểu lại hỏi: Nếu vậy làm sao hợp Đạo?
Mã Tổ bèn bảo: Tôi sớm đã không hợp Đạo.
Tăng hỏi: Vậy ý tổ sư là gì?
Mã Tổ bước tới trước mặt ông tăng vừa đấm vừa đá.
Tăng nói: Đại sư! Xin đừng đánh.
Tổ nói: Ông tăng độn căn này, không đánh thì ông vĩnh viễn không khai ngộ được, mà người thiên hạ sẽ cười tôi.
Mã Tổ đánh đuổi ông tăng ra khỏi phòng, nghe sau lưng có tiếng cười hô hố, quay đầu lại thì ra vị trưởng giả vỗ tay khen ngợi: Tốt lắm, quả là danh bất hư truyền. Thiền pháp của Mã đại sư thật lợi hại. Nếu không được thấy thì đã uổng một đời.
Bảo Tích đến Hồng Châu nghe Mã Tổ thuyết pháp, vẫn chưa lãnh ngộ tâm yếu. Mỗi khi thấy Mã Tổ khen ngợi cho một huynh đệ nào, thì cảm thấy mình còn nông cạn, ngồi thiền chẳng yên, tâm ý tạp loạn. Ông rời bỏ đạo tràng vào thị trấn giải khuây. Ông đến Hồng Châu đã mấy năm nhưng ngoài nghe giảng pháp, đọc kinh, ngồi thiền, rất ít khi ra phố. Hôm đó, ông đi ngang tiệm bán thịt heo nghe thấy một người khách nói: Bán cho tôi một cân thịt thượng hạng.
Người bán thịt bỏ dao xuống, khoanh tay trước ngực, nói rằng: Thớt thịt này chẳng phải toàn là thượng hạng sao?
Bảo Tích nghe câu nói đó bỗng nhiên tỉnh ngộ.
Đi một quãng, Bảo Tích lại gập một đám tang, người hát thuê rung chuông hát rằng:
Vầng hồng quyết định lặn về Tây.
Chưa biết quỷ hồn hướng về đâu?
Người con hiếu ở dưới màn khóc hu hu, Bảo Tích bỗng nhiên khai ngộ.
Ông vội chạy về báo cáo với Mã Tổ: Mọi thống khổ đều do tâm phân biệt, vì có tâm phân biệt nên có cao thấp, ngắn dài, giầu nghèo, được mất, ly hợp, vui buồn. Nếu lấy tâm bình đẳng mà xét sự vật thì tất cả là một: ngoảnh về Nam nhìn Bắc Đẩu, cá rong chơi trên núi v . v . tất cả đều đẹp đẽ không thể tả được.
Lại nữa, cuộc đời như hạt sương, như điện chớp, như mộng ảo, bào ảnh, dù huy hoàng cuối cùng cũng trở về cát bụi. Cuộc đời ngắn ngủi không thể sống như một người chết, phải sống cho có ý nghĩa, phải tham suốt vấn đề sanh tử, phải minh tâm kiến tánh.
Mã Tổ lắng nghe ông tăng bình thời rất ít nói nay thì thao thao bất tuyệt kể thiền ngộ của mình, ông mỉm cười ấn khả cho Bảo Tích.
Về sau Bảo Tích có làm một bài kệ sau:
Tâm nếu vô sự,
Vạn pháp chẳng sanh,
Huyền cơ hết ý,
Sao có bụi trần?
Lương toạ chủ người đất Thục, nghe tiếng Mã Tổ bèn tìm đến thăm. Hai người nói chuyện rất hợp. Mã Tổ thấy ông thông minh, kinh điển thông thạo bèn hỏi: Nghe nói toạ chủ khi giảng kinh thì thao thao bất tuyệt có đúng không?
Lương đáp: Không dám, đại sư quá khen.
Tổ hỏi: Tôi có nghi vấn.
Lương đáp: Xin cứ hỏi.
Tổ hỏi: Ông lấy gì giảng?
Lương đáp: Tôi không dùng mồm, không dùng lời, mà dùng tâm.
Tổ hỏi: Tâm như con vượn, ý như con khỉ làm sao dụng tâm?
Lương hỏi: Không dùng tâm giảng chẳng lẽ dùng hư không?
Tổ nói: Đúng! Có thể dùng hư không.
Lương toạ chủ đứng dậy định đi,
Mã Tổ gọi: Tọa chủ!
Tọa chủ quay đầu lại.
Mã Tổ hét lớn: Là cái gì?
Tiếng hét như sấm nổ làm toạ chủ chấn động tâm can, phục xuống lạy tạ.
Tổ hỏi: Tọa chủ ngốc, sao ông lại lạy tôi?
Lương đáp: Tôi từng giảng kinh, như tôi ít người bì kịp, không ngờ câu nói của đại sư khiến công nghiệp giảng kinh của tôi, tan theo làn khói không còn tăm tích. Thật là thẹn!
Ông hướng Mã Tổ thi hành đại lễ, bái tạ rồi ra.
Về sau, dù có người hỏi, ông cũng không hề nói một chút gì liên quan đến Phật pháp, khác hẳn lúc trước thao thao bất tuyệt, có người hoài nghi ông không phải là Lương toạ chủ. Có người đem chuyện này kể cho Mã Tổ nghe.
Mã Tổ nói:Tốt lắm! Đó là thoát thai hoán cốt, mừng cho ông ta ngay cốt đầu cũng đã biến đổi!
Mã Tổ lúc sắp mất, viện chủ hỏi rằng: Gần đây, hoà thượng tâm cảnh ra sao?
Tổ nói: Phật mặt trời, Phật mặt trăng.
Ngày mùng 1 tháng 2 năm Trinh Nguyên thứ tư Mã Tổ toạ thiền mà nhập diệt. Các đệ tử đem hoả tang theo nghi thức trà tỳ. Trong đám tro cốt các đệ tử nhặt ra được 1 đấu xá lợi. Những xá lợi này được đưa vào tháp ở Thạch Môn Sơn.