Đạo không chủ trương diệt ngã.

ĐẠO KHÔNG CHỦ TRƯƠNG DIỆT NGÃ
Thật ra thì Đạo không bao giờ dạy con người phải đạt đến tâm không bằng cách diệt ngã, để tìm đến một sự trống rổng. Thật là sai lầm khi cho người tu là bi quan yếm thế chủ trương diệt ngã, vấn đề ở đây là khuyên người tu hãy loại bỏ phàm ngã, để chân ngã được thể hiện, tức là tìm thấy tâm không, bằng cách phải trải qua nhiều cái ngã, phải nhìn cho kỷ vào bản ngã, đến lúc không còn chấp ngã nữa, thì phàm ngã tự nó tự biến mất, rồi chân ngã (đạo tâm) sẽ hiện ra. Bởi vì chân ngã nó vẫn có đó mà vốn là không, không mà có, mà cái có nầy “lại có với một vẻ thánh thiện, đẹp đẽ hơn”.Vã lại tâm trí con người không bao giờ để trống không được cả. Khi con người để tâm trí trống không, không nghĩ tới điều lành, thì tức khắc điều ác sẽ dấy lên, nên Thầy Trang Tử đã nói rằng:
“Nhứt nhựt bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi” (Một ngày không nghĩ đến điều lành, thì điều ác sẽ tự dấy lên trong tâm trí) [ Minh tâm bửu giám].
Theo định luật bảo tồn năng lượng của Lavoisier, một khi người tu không còn sân hận thù nghịch, không còn lo lắng hơn thua được mất, không còn ganh đua chen chúc, không còn tâm lý sợ hải (vô úy)…, thì cái năng lượng sinh học phi vật thể rất lớn của phàm ngã như tham sân si, nó không phải biến mất, mà nó lập tức được chuyển hóa thành khối năng lượng tích cực khiến cho tâm con người tràn đầy bác ái, hoan hỷ và an lạc.
Nên Phật thuyết “Bát nhã tâm kinh” cho chúng sanh không phải để tụng niệm, mà để “thực hành tích cực và liên tục” (hành thâm) vì có thực hành tích cực và liên tục thì mới giải thoát mọi ách nạn đau khổ (độ nhất thiết khổ ách), chứ không phải đóng cửa tụng niệm suông, không cần đến hành thâm công đức mà có thể đạt đến sự giải thoát.
Khi không còn ham muốn tham cầu, ngay cả cầu sự đắc đạo, thì tâm tư sẽ nhẹ nhàng, thảnh thơi thanh thản, từ đó con người sẽ tràn đầy niềm hân hoan tự tại, sẽ đạt đến trạng thái “giải thoát”. Giải thoát ở đây là giải thoát những khổ đau sợ hải, làm nặng nề đời sống an lạc, ngay trong hiện tại và ngay bây giờ, chứ không đợi đến khi chết, nhập vào niết bàn mới hưởng được, vì địa ngục hay thiên đàng cũng tại thế gian đây mà thôi. Do đó Đạo thơ có câu:
“Khi sống không biết con đường đi đến thiên đàng, thì sau khi chết khó rời được cửa địa ngục” (Sanh tiền bất tri thiên đường lộ, tử hậu nan ly địa ngục môn).
Nỗi khổ của con người là do cái “ngã” của mỗi cá nhân lớn quá. Cái gì cũng của tôi, cho tôi, vì tôi…, lại cho đó là cái thường hằng vĩnh viễn, nên nếu tan biến hay đánh mất đi lại sầu bi khổ não…Ngay cả người tu hành muốn thoát cái ngã, có thể lại nặng ngã hơn, như ôm lấy đạo ta, chùa ta, cốc ta, sau khi đã thoát khỏi được cái nhà của ta !!! Cứ thế người tu bỏ cái nầy lại bám chặt cái khác, như bám cái bè đã qua sông mà không muốn lên bờ. Không những người tu chỉ chấp ngã, chấp tướng, mà còn cả chấp pháp nữa, họ cứ ôm lấy hiện hữu mà ngủ quên ở đó !!!
Tôi có một bà chị tu Thiền, đã bỏ nhà cửa, bỏ tất cả giàu sang, tiện nghi vật chất, bỏ con cháu thân yêu, coi như đã ly gia cắt ái, nhưng rồi lại bám víu vào những cái khác, như lại không thể rời sư phụ, không thể rời bạn hữu, không thể rời chùa chiền, am cốc, và nếp sống hiện hữu của mình, dù chỉ trong vài ngày…!!! Như vậy là chị đã bỏ cái “ngã” nầy lại vướng bận vào cái “ngã” khác, như cố bám chiếc bè đã qua sông mà không muốn bước lên bờ !!!.
Âu đây cũng là một quy luật trong quá trình tiến hóa của con người đến thế gian, là phải trải qua bản ngã rồi mới đến chân ngã, trải qua tất cả ác trược rồi mới đến thiện thanh, phải nếm nhiều cay đắng đau khổ, rồi mới đến hạnh phúc an lạc, người tu phải tự mình từng trải như vậy thì mới mong đắc đạo giải thoát. Vì thế Đức Phật cũng đã xác nhận rằng:
“Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”.
Trong Tam kỳ Phổ độ Đức Chí Tôn đã ban ơn rộng rãi cho con người nếu ai biết tu, thì trong một kiếp cũng có thể vào niết bàn đặng, nhưng Đức Chí Tôn chẳng bao giờ được hoan lạc nhìn thấy những kẻ ấy:
“Thầy cho một quyền rộng rải cho cả nhân loại trong càn khôn thế giới, nếu biết ngộ một đời tu đủ trở về cùng Thầy đặng, mà hại thay !!! Mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc nhìn thấy kẻ ấy” (Thánh giáo ngày19-12-1926/15-11Bính dần).
Nên không dễ gì một người tu mà không chịu lo hành đạo, lập công bồi đức, cứ ngồi thiền, lim dim tịnh luyện hoặc tụng niệm suông, mà một sớm một chiều sẽ đắc thành chánh quả. Muốn đạt được trạng thái nầy, người tu phải thực sự hành đạo, làm phải làm lành, một cách tích cực liên tục nên mới gọi là “tu hành”, và phải tu tánh, luyện mạng một cách tinh tấn, nên người ta mới có danh từ kép là “tu luyện”, thì mới mong đạt được kết quả viên mãn.
Người tu muốn đạt được vô ngã là một quá trình dai dẳng, có khi phải kéo dài đến vô số kiếp… Vì vấn đề ở đây không phải chỉ có ở nhận thức, mà phải thực hành lập công bồi đức một cách tích cực và liên tục. Nên trong phương tu Đại Đạo Đức Phạm Hộ Pháp đã dạy rằng:
“Đạo chẳng phải ở lời nói mà ở kết quả sự thật mình làm, không phải nơi câu kệ câu kinh mà buộc ở hành vi người giữ đạo, cái khó khăn của đạo không phải ở sự giảng dạy mà ở sự thực hành. Cái hay của đạo không phải nơi yếu lý mà ở kết quả của cuộc giáo truyền”. (Phương tu Đại Đạo).
Do đó Đức Chí Tôn đã khẳng định rằng người tu phải thực sự hành đạo để có đủ công đức thì mới mong đắc Đạo:
“Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đặng đắc đạo cùng chẳng đặng”.
“Thầy đến độ rỗi các con là lập thành một trường công đức cho các con nên đạo, vây đắc đạo cùng chăng là do các con muốn cùng chẳng muốn” (Thánh giáo 5-7-1926 / 26-5 Bính dần / Thánh ngôn hiệp tuyển quyển 1).
Đây là một sự kiện không dễ dàng, nếu bên trong con người chưa chuyển hóa hết cái năng lượng tiêu cực như tham lam ích kỷ sang thành năng lượng tích cực là từ bi hỷ xã, và những sự kiện nầy nếu chỉ mới là những nhận thức còn nằm trong tâm trí, thì vẫn chưa đủ, mà người tu còn phải sấn tay thể hiện ra bằng hành động cứu độ tha nhân thiết thực, đó mới là tự thay đổi chính mình, những sự kiện nầy không phải từ bên ngoài ban cho, mà ở đây cần phải tự thắp sáng lên ngọn đèn tự nguyện dõng mãnh trong tâm linh của mình, nên Phật đã khuyên “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” là vậy.
Khi người tu “hành thâm” công đức, tâm đạt đến được trạng thái “Bát nhã”, thấy được mọi sự đều không, thì không những sẽ thoát được mọi chướng ngại, không bị tai ương hoạn họa khủng bố, nên trong kinh Bát nhã, Phật nói là “độ nhất thiết khổ ách” (thoát mọi khổ ách), mà khi ấy cái tâm ý vọng động, nhảy nhót như vượn chuyền cây, ngựa chạy đường dài (tâm viên ý mã) của con người sẽ được tỉnh lặng, và đạt đến sự định tỉnh từ hòa, đó mới chính là kết quả của chân Thiền, còn gọi là “nhứt đoạt thiền định”.
Tóm lại hiện-tượng thăng-hoa Tinh Khí Thần là một quá-trình nội chuyển, nó diễn ra trong tự thể của ba phần: Thể-chất, tình-cảm và trí-tuệ, với một cơ-chế rất tự-nhiên, cũng có thể nói là rất logic và khoa-học, không hề ẩn-tàng, một mảy-may pháp-thuật ảo-huyền.
Hiện nay có nhiều trường-phái cũng đã thâu nhận đệ-tử, họ cũng dạy luyện Tinh Khí Thần, nhập-định xuất hồn, khai mở luân-xa…, thậm-chí có nhiều Thầy có phép mở luân-xa cho đệ-tử từ xa, mà chẳng cần quan-tâm đến công-đức cùng mức-độ thanh-khiết trong chơn-thần của đệ-tử ra sao. Đây là một điều khá tai-hại cho những ai cả tin và nôn-nả muốn mau đạt được phép thần-thông.
Theo các nhà chân-tu tiền-bối thì Luân-xa (Chakra) là những điểm tương-ứng với một số hội-huyệt quan-trọng của cơ thể, là nơi giao-tiếp thu-nhập năng-lượng giữa con người và vũ-trụ, khi công-đức đệ-tử chưa đầy đủ, thất-tình lục-dục chưa lắng đọng, tức là chơn-thần chưa thanh-khiết, mà đã khai mở, nó sẽ lay tỉnh luồng Hoả-xà (Kundalini) trường lên, dẫn lửa đi thiêu thân, nên thay vì có kết-quả tốt là khiến con người đạt được các quyền-năng siêu-phàm, thì ngược lại nó thúc-đẩy lửa thất-tình lục-dục dấy lên mãnh-liệt hơn nữa. Nên chúng ta thường thấy nhiều người chưa đủ công đức, tịnh luyện lâu ngày thì tham sân si…càng dễ bị kích động, thường thấy thay vì họ khoang dung, từ ái, nhu hòa, họ lại trở nên nóng nảy, hẹp hòi, cố chấp là do vậy. Nên Đức Phạm Hộ-Pháp đã khẳng định rằng:
“Cái nền chơn-giáo của Chí-Tôn là đường-đường ngay chánh không hề mê-hoặc ai cả thảy… Những phương-pháp mê-hoặc của thiên-hà về đạo-lý sẽ bị chơn-truyền của Chí-tôn từ từ tiêu diệt hết… ”(Thuyết đạo ngày 19 / 04 / Tân Mão).
Sự tiêu-diệt này chính là sự bệnh-hoạn, chết chóc. Vì những sai-lầm dẫn đến hậu-quả như vậy, nhưng nhiều người vì không chịu hiểu, nên khi bị “tẩu hỏa nhập ma” lại đổ thừa cho nghiệp-chướng tiền-khiên…
Chúng ta cần khẳng-định rằng dù người tu đã mang nghiệp-chướng nặng-nề đến đâu, mà biết lập-công bồi-đức kết-hợp với tu-luyện theo giáo pháp Tam kỳ Phổ độ, và dinh-dưỡng đúng phép quân bình âm dương, tức là chúng ta thực hiện phép “tánh mạng song tu” (tu tánh lẫn luyện mạng) còn gọi là phép “Phước huệ song hành” (tài bồi âm chất lẫn phát triển thần huệ) thì cũng có thể hoá-giải khối nghiệp chướng tiền khiên đi được. Đây là một qui-luật tất-yếu, vì hành-tàng đúng hay sai của mỗi người đều có một sự trả giá rất xứng-đáng, chứ Đức Chí-Tôn là Đấng công-bình, không ban thưởng hay trừng phạt ai cả.
Sưu tập nầy không có chủ tâm đả kích một người nào, hay bài bán một phương tu nào, mà chỉ nêu lên những vấn đề có tính chất thiết thực trong sự tu học, để đồng đạo tham khảo. Vì các sự kiện thất chơn truyền nêu trên, mà ngay Đức Phật Thích Ca cũng đã than thở rằng:
“Lắm kẻ đã chịu khổ hành đạo… Ôi ! Thương thay công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy Ta rất đau lòng…”
Nhưng rồi Ngài cũng phải đành cam chịu đau lòng mà chờ đợi cho đệ tử của Ngài trải qua nhiều cái “phàm ngã” để rồi họ phải nếm chịu nhiều khổ đau, mới có thể đạt đến “chân ngã” được.
Không có mô tả ảnh.
/svg>