Đặt cọc khi thuê nhà, coi chừng mất trắng

Đi thuê nhà, vì không thỏa thuận các điều khoản chặt chẽ nên anh Minh chấp nhận mất 1 triệu tiền đặt cọc. Chị H. cũng mắc bẫy của “siêu lừa” và bị chiếm đoạt tới hơn 100 triệu đồng…

Anh Minh, nhân viên IT đang làm việc tại Hà Nội kể, tối hôm đó, anh đọc được trên mạng tin rao cho thuê nhà trọ dạng căn hộ mini ở đường Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân giá 2,5 triệu đồng/tháng. Xem hình ảnh thấy phòng còn mới và đẹp, rộng rãi, giờ giấc lại tự do nên anh khá ưng ý và gọi điện cho chủ nhà hẹn ngày hôm sau đến xem phòng. Khi anh Minh đến xem nhà, chủ nhà nói tiền điện nước và internet mỗi tháng vào khoảng 400.000 đồng/người/tháng và không có thêm chi phí gì. Vì thấy chủ nhà nói cũng có mấy người hẹn đến xem trong ngày hôm đó nên anh vội vàng đặt cọc trước 1 triệu vì sợ người khác thuê mất.

Theo lịch hẹn, 5 ngày sau, anh Minh dọn đồ đến ở. Chủ nhà khi đó đưa cho anh bản hợp đồng thuê với những điều khoản khác hoàn toàn so với thỏa thuận ban đầu: Tiền điện nước, internet là 600.000 đồng/người/tháng, tiền giữ xe là 100.000/tháng, chưa kể tiền rác, tiền vệ sinh, tiền bảo trì, tiền camera an ninh… Tổng giá thuê một tháng bị đội lên đến 3,7 triệu đồng.

Không chỉ đội thêm nhiều chi phí, chủ nhà thậm chí còn đưa ra những quy định rất vô lý như hạn chế đưa bạn bè đến chơi, phải về nhà trước 11 rưỡi đêm để tránh làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh… Quá bức xúc, anh Minh quyết định không thuê nữa và đòi lại tiền cọc nhưng chủ nhà không trả lại tiền. Cãi nhau tay đôi nhưng chủ nhà nhất quyết không trả, anh đành chuyển đồ đến nhà bạn ở nhờ và sau đó có gọi điện đòi tiền nhiều lần nhưng không thành. Sau này anh mới biết đã có vài người gặp phải tình huống như anh khi đến căn nhà đó thuê phòng.

đặt cọc khi thuê nhà
Có không ít người bị lừa mất tiền đặt cọc khi đi thuê nhà. Ảnh minh họa

Câu chuyện dùng thủ đoạn để lừa tiền của người thuê nhà không phải là hiếm, đặc biệt là tại những thành phố lớn, nơi có lượng người thuê đông. Điển hình như cách đây vài tháng, công an quận Hoàng Mai đã lật tẩy thủ đoạn lừa đảo của Bùi Thị Ngọc Anh (quê ở Quảng Ninh, sinh năm 1988). Ngọc Anh đi thuê căn hộ hạng sang ở quận Hoàng Mai để ở nhưng đến khi gần hết hạn hợp đồng thì tự giới thiệu mình là chủ căn hộ đó rồi đi tìm người thuê. Khi gặp khách thuê, Ngọc Anh đưa ra các giấy tờ phô tô về căn hộ như giấy chứng nhận quyền sở hữu, hợp đồng mua bán… để tạo sự tin tưởng.

Ngọc Anh giới thiệu mình được mẹ (người đứng tên trên giấy tờ) ủy quyền làm đại diện cho thuê. Lấy lý do sắp sinh con nên cần tiền gấp, sau khi đề nghị khách thuê ký vào hợp đồng do mình tự soạn, Ngọc Anh yêu cầu khách thuê chuyển luôn tiền thuê cả quý hoặc cả năm cho mình. Chị Lê H. là một trong số những nạn nhân của Ngọc Anh khi bị chiếm đoạt tới 108 triệu đồng.

Để tránh bị “mắc bẫy” như hai khách thuê nhà trên, người thuê nhà khi đi xem nhà và ký hợp đồng cần tìm hiểu thật kỹ và thỏa thuận các điều khoản cụ thể với chủ nhà. Trước khi hẹn lịch xem nhà, người thuê nên tra thông tin địa chỉ cho thuê, số điện thoại… trên mạng để biết được có vụ lừa đảo nào xảy ra trước đó hay không. Một lưu ý khác là người thuê không nên đi xem nhà một mình mà hãy đi cùng 2-3 người bạn khác, nên gặp trực tiếp chủ nhà, đồng thời hỏi một số người dân xung quanh về chủ nhà, tình trạng ngôi nhà, an ninh khu vực…

Đối với việc đặt cọc, trước khi đặt cọc, người thuê cần thống nhất với chủ nhà đầy đủ các thông tin về mọi chi phí phải đóng, có tăng tiền nhà không, giờ đóng cửa, thời gian ở tối thiểu, người phải chịu trách nhiệm khi đồ đạc hỏng…

Thông thường, tiền đặt cọc sẽ là khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đối với những phòng trọ nhỏ và bằng 1-2 tháng tiền thuê đối với những căn hộ vừa và lớn, có nội thất cơ bản.

Giấy đặt cọc ghi rõ các thông tin của chủ nhà, giá cả, điều kiện lấy lại tiền cọc… phải có đầy đủ chữ ký của hai bên. Việc tạo những ràng buộc rõ ràng về khoản tiền đặt cọc sẽ giúp người thuê nhà dễ lấy lại khoản tiền này sau khi kết thúc hợp đồng.

/svg>