4 MỨC ĐỘ CỦA NĂNG LỰC. BẠN ĐANG Ở MỨC ĐỘ NÀO?

4 mức độ của năng lực:
– Năng khiếu: Là những mầm mống, dấu hiệu ban đầu tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để thực hiện một hoạt động nào đó.
– Năng lực: Là một mức độ nhất định trong khả năng con người, biểu thị khả năng hoàn thành có kết quả một hoạt động nào đó.
– Tài năng: Là mức độ năng lực cao hơn, biểu thị việc đạt được thành tích cao, hoàn thành một cách sáng tạo trong một hoạt động nào đó.
– Thiên tài: Là mức độ cao nhất của năng lực biểu thị ở sự kiệt xuất, hoàn chỉnh nhất của những vĩ nhân trong lịch sử nhân loại.
Bài viết này sẽ giúp bạn làm rõ xem năng lực của con người có phải có được qua bẩm sinh di truyền hay không? Theo quan điểm của nhà tâm lý học Macxit, con người sinh ra vốn không có sẵn năng lực đối với một hoạt động nhất định nào đó mà chỉ có tư chất nhất định. Tư chất là tiền đề tự nhiên của năng lực, là những đặc điểm cơ thể – sinh lý bẩm sinh, bao gồm có các đặc điểm của hệ thần kinh, não bộ và gen của con người.
Năng lực là sự kết hợp của những tư chất tự nhiên vốn có của con người thông qua môi trường, hoàn cảnh và “độ tích cực hoạt động” của mỗi cá nhân. Năng lực hình thành và phát triển qua hoạt động thực tiễn của con người. Nó là kết quả của quá trình giáo dục, tự phấn đấu và rèn luyện của mỗi cá nhân.
Ở một số người, tư chất được bộc lộ khá sớm, rõ rệt và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cá nhân như nhạc sĩ thiên tài người Áo Mozart. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại đã chứng minh và cho thấy rằng, có những người không có biểu hiện mầm mống gì của năng lực nhưng lại đạt được thành công to lớn, vĩ đại trong một lĩnh vực nào đấy. Abraham Lincoln là một ví dụ điển, ông từ một thư ký bình thường ở một tiệm tạp hóa nhỏ, thông qua quá trình miệt mài học tập và phấn đấu, ông đã trở thành tổng thống và là một vĩ nhân của nước Mỹ. Thomas Edison để có thể trở thành một nhà phát minh thiên tài và để lại cho nhân loại hơn 1.000 bằng sáng chế, ông đã phải làm việc 18,5 giờ một ngày và chỉ khi đã ngoài 50 tuổi ông mới cho mình giảm giờ làm việc.
“Thiên tài là 10% của tư chất, còn 90% do công sức lao động, mồ hôi và nước mắt tạo nên” – Thomas Edison.
Một ví dụ thứ ba để chứng minh cho đều này chính là cầu thủ bóng đá nổi thế giới Cristiano Ronaldo, với một tuổi thơ từng bị đuổi học vì ném ghế vào giáo viên, hay căn bệnh tim mà anh gặp phải ở tuổi 15. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, chế độ luyện tập, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý cùng với sự kiên trì, anh đã bước vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá thế giới và vẫn sung sức, có được phong độ tuyệt vời ở những năm cuối của sự nghiệp.
Tất cả những điều trên đã chứng minh một điều, năng lực không phải do bẩm sinh, sinh ra đã có mà được hình thành thông qua quá trình rèn luyện và tự phát triển. Chính vì thế, hãy cứ vững tin vào bản thân và đừng nghi ngờ chính mình mà hãy tập trung vào việc rèn luyện không ngừng để có được năng lực mà bản thân hằng mong ước. Đồng thời, ngày càng phấn đấu nâng cao mức độ năng lực của bản thân.
Đối với doanh nghiệp, nhà quản trị phải biết rõ năng lực của từng thành viên cấp dưới để bố trí, sử dụng cho phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi thành viên phát triển đúng hướng.
Chúc Bạn Thành Công!
/svg>