NHỮNG THÓI QUEN CHI TIÊU SẼ ĐỐT CHÁY VÍ TIỀN CỦA BẠN

1. Hay lựa chọn đồ ở phía ngoài gian hàng.
Ở các cửa hàng, siêu thị, nhân viên thường xuyên sắp xếp, kiểm tra các gian hàng mỗi ngày. Đối với những sản phẩm có hạn sử dụng còn ngắn nhất sẽ được để ra ngoài để người mua hàng dễ dàng chọn lấy, còn những sản phẩm mới nhập kho, dài hạn hơn thường được để bên trong. Vì vậy, khi bạn đi mua những món đồ cần hạn sử dụng dài ngày, hãy lựa chọn ở phía sâu trong gian hàng, mà tốt nhất hãy để ý tới hạn sử dụng nhà sản xuất in trên sản phẩm. Như vậy, bạn có thể cất dài ngày mà không lo bị quá hạn.
2. Đi mua sắm mà không có kế hoạch.
Khi đi mua sắm mà bạn không có kế hoạch hoặc danh sách những món đồ cần mua thì khi bị chú ý bởi những sản phẩm hấp dẫn, bắt mắt bạn sẽ rất dễ quyết định mua chúng mặc dù đó là thứ không quá cần thiết. Nhưng chỉ cần bạn có kế hoạch mua sắm từ lúc còn ở nhà, bạn không những tiết kiệm được tiền cho sản phẩm không cần thiết mà còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi khắp các gian hàng trong siêu thị.
3. Lúc đói rồi, bạn mới đi ăn.
Việc chọn đồ ăn lúc đói khiến chúng ta cảm thấy rất dễ dàng, vì khi đó món ăn nào cũng ngon, món ăn nào cũng vô cùng cuốn hút. Bạn chẳng còn nghĩ nhiều tới việc món ăn đắt hay rẻ mà chỉ muốn lấp đầy chiếc bụng của mình trước đã.
Tốt nhất, đừng để quá đói rồi mới đi ăn hoặc trước khi tới các siêu thị, trung tâm thương mại, hãy lót dạ bằng một vài món nhẹ, cái bánh hoặc cái kẹo. Khi đó, những món ăn sẽ bớt khiến bạn bị cám dỗ hơn.
4. Ham “săn sale”.
Ngày nay, các chương trình sale, khuyến mại của các nhãn hàng đã giúp họ thu hút một lượng lớn khách hàng và giúp họ tăng được rất nhiều doanh số bán hàng. Cùng với đó, nhiều người tiêu dùng thường bị thu hút bởi các chương trình đó, họ ham săn sale, mua đồ giảm giá, thậm chí là cả những món đồ rất vô dụng, rồi sau đó lại tự an ủi rằng món đồ đó rẻ quá nên cũng chẳng sao. Nhưng thực tế, nếu bị dính cái bẫy tâm lý như vậy, người ta sẽ như nghiện săn sale, mua nhiều nên cũng tiêu tốn số tiền không hề nhỏ.
5. Tích trữ hàng hóa.
Nhiều người thường có thói quen tích trữ hàng hóa, thực phẩm, đặc biệt trong đợt dịch vừa rồi thì điều đó rất phổ biến. Nhưng chính việc người tiêu dùng đổ dồn đi mua hàng hóa tích trữ khiến nhiều chủ đại lý phân phối cố tình đẩy cao giá sản phẩm lên mà vẫn chẳng đủ bán. Thậm chí có những người còn mua nhiều hàng hóa tới nỗi sử dụng không hết lại hư hỏng rồi bỏ đi. Điều này gây ra sự lãng phí vô cùng lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
6. Mua số lượng lớn hàng hóa vì ham rẻ.
Hầu hết các đại lý, các nhãn hàng hiện nay thường có chính sách chiết khấu, giảm giá nếu người mua mua sản phẩm với số lượng lớn. Nghe qua thì có vẻ đây là một chương trình rất hay nhưng chính cái tâm lý ham rẻ, mua nhiều lại gây lãng phí cũng giống như tích trữ hàng hóa vậy. Nếu muốn được áp dụng chính sách như vậy, tốt nhất bạn hãy rủ bạn bè, người thân có nhu cầu rồi hãy cùng mua, tránh để lãng phí, tốn kém tiền của.
7. Cái gì cũng phải mua hàng hiệu.
Nhiều người luôn muốn được sử dụng sản phẩm có chất lượng và dịch vụ đi kèm tốt nhất nên mua gì họ cũng sẽ chọn đồ hiệu. Nhưng chẳng phải chỉ có đồ hiệu mới là tốt mà bên cạnh đó cũng còn nhiều những sản phẩm từ thương hiệu bình dân hơn cũng có chất lượng chẳng kém cạnh. Ví dụ như mua cái ô che mưa thì bạn có thể mua bất kỳ chiếc nào bạn cảm thấy nó đủ tốt ở cửa hàng bình dân gần nhà với giá vài chục ngàn thay vì phải chọn chiếc ô thương hiệu cả vài triệu bạc. Quan trọng là bạn cần giá trị gì từ sản phẩm bạn muốn mua, không nhất thiết cứ phải mua hàng hiệu, như vậy rất tốn kém mà lại chẳng cần thiết.
/svg>